Cập nhật: 28/04/2020 09:08:07

Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước

CNQP&KT - Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Đặc biệt, vai trò của “đội quân lao động sản xuất” đã và đang thể hiện rõ nét trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói chuyện về vai trò của Quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Ngày 20/3/1947, để làm cho toàn dân, toàn quân hiểu được đời sống mới trong kháng chiến, Bác đã viết bài “Đời sống mới”, xác định nhiệm vụ và những hình thức tăng gia, lao động sản xuất cụ thể của Quân đội: “Bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc... Song những bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc”1. Một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được gắn với Nghị định số 30/NĐ ngày 23/8/1956 của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Cục Nông binh để tham mưu giúp Bộ quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Từ đó, ngày 23/8 được lấy làm Ngày truyền thống bộ đội sản xuất, xây dựng kinh tế.

Với bản chất của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vào năm 1975, Quân đội đã chuyển gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế; tích cực tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt coi trọng những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đây là sự nối tiếp, phát huy truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Tịnh vi nông, động vi binh” của dân tộc trong thời đại mới. Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) với tư duy đổi mới mạnh mẽ đã xác định: “Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy động một phần lực lượng quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng vào việc xây dựng kinh tế”2. 

Dây chuyền sản xuất vải của Công ty Cổ phần Dệt may 7 (Quân khu 7). Ảnh: CTV

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược và đường lối của Đảng bằng nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, Nghị quyết số 71/ĐUQSTW ngày 25/4/2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội; Nghị quyết số 520/QUTW ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020; Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 3/4/2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội… là cơ sở pháp lý quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế với những hình thức, biện pháp phù hợp theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Những thành tựu về tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời kỳ đổi mới của Quân đội được thể hiện qua việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng; hoạt động của các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ)… Nổi bật là các đoàn kinh tế - quốc phòng đã tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trồng rừng, xóa mù chữ, khám - chữa bệnh… Các DNQĐ đã không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET), Tổng công ty Đông Bắc... Sự kết hợp kinh tế với quốc phòng của Viettel được thể hiện ở hệ thống mạng lưới là mạng thường trực thứ hai của Quân đội; tiên phong trong nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ quốc phòng, an ninh; tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trở thành nhà khai thác cảng container, cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, hiện đại lớn nhất Việt Nam, đứng trong tốp 25 cảng lớn và hiện đại nhất thế giới, khẳng định vị thế thương hiệu DNQĐ trên thị trường quốc tế. Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, qua sản xuất đã trang bị được hàng chục chiếc máy bay trực thăng hiện đại, từng bước thực hiện các dịch vụ trực thăng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhóm các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng (CNQP) cũng không ngừng nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế - kinh tế với quốc phòng. Tiêu biểu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, cơ khí, hóa chất, điện - điện tử, quang học với nhiều sản phẩm uy tín, có thương hiệu và hội nhập sâu rộng vào thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Tổng công ty Sông Thu, Công ty đóng tàu Hồng Hà, Nhà máy Z189 đã đóng được nhiều loại tàu, xuồng hiện đại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Các nhà máy Z113, Z114, Z115, Z121, Z131 đã bứt phá mạnh mẽ với các sản phẩm quốc phòng mũi nhọn và vật liệu nổ công nghiệp. Các nhà máy Z117, Z127, Z176, Z183 đã sản xuất nhiều mặt hàng kinh tế và từng bước xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm cơ khí vốn rất khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Đặc biệt, Nhà máy Z176 đã và đang là “lá cờ đầu” trong việc sản xuất sản phẩm kinh tế xuất khẩu (hiện xuất khẩu chiếm hơn 80% tổng doanh thu). Những đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp công lập cũng tích cực phát huy bản chất, truyền thống của Quân đội để đẩy mạnh tăng gia sản xuất và thực hiện một số dịch vụ theo quy định.

Những kết quả đạt được trên các mặt, các lĩnh vực đã chỉ rõ, Quân đội là một nguồn lực của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Quân đội là lực lượng nòng cốt trong giải quyết những vấn đề khó khăn về quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Những năm tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi, cơ hội lớn nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới; một mặt, Quân đội phải tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; mặt khác, tiếp tục tham gia có hiệu quả lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng cũng như sức mạnh của đất nước. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế. Trong đó, phải thống nhất nhận thức: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Quân đội, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn nữa, xây dựng kinh tế phải được hiểu là kinh tế quốc phòng, trước hết là để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tiếp cận ở góc độ này cho thấy, CNQP trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm quốc phòng, vũ khí trang bị, đạn dược bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang. Mặt khác, các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh nhất thiết phải do Quân đội làm và tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng khó khăn - nơi không ai muốn vào thì quân đội phải đảm nhiệm. Một số DNQĐ còn đi đầu về khoa học công nghệ, phát triển khoa học công nghệ để áp dụng sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội.

Hai là, làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng - quốc phòng với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, chiến lược. Tiếp tục kiện toàn tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với tình hình mới. Trong đó, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biển, đảo.

Ba là, các DNQĐ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, theo tinh thần Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Văn bản số 80/TTg-ĐMDN ngày 4/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ đến năm 2020.

Bốn là, phát huy tiềm năng, thế mạnh của một số ngành nghề mang tính lưỡng dụng cao trong tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế với quy mô, hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường nguồn lực cho quốc phòng. Trong đó, các doanh nghiệp CNQP ngoài sản xuất hàng quốc phòng, cần phát huy tính lưỡng dụng trong sản xuất hàng tiêu dùng, thực hiện “lấy dân dụng nuôi quân dụng”. Việc phát triển kinh tế để góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng càng có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng ngày càng lớn.

Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 30 năm qua đã thu được những thành tựu rất quan trọng, trong đó có những đóng góp hiệu quả của Quân đội. Với bản chất, truyền thống của mình, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, góp phần xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại tá, TS. HOÀNG VĂN PHAI

 Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

http://tapchi.vdi.org.vn/nghien-cuu-trao-doi/ID/865